Tamsulosin: Công dụng, tác dụng phụ và những lưu ý khi sử dụng

Bài viết bởi Dược sĩ Huỳnh Xuân Lộc - Khoa Dược - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park

Tamsulosin là thuốc thuộc nhóm đối kháng chọn lọc thụ thể alpha 1 – adrenergic giúp làm giãn cơ trơn tuyến tiền liệt và niệu đạo. Để đảm bảo hiệu quả điều trị, người bệnh cần tuân thủ theo đúng hướng dẫn của bác sĩ, dược sĩ tư vấn.

1. Tansulosin có công dụng thế nào?

Tamsulosin, với tên biệt dược thường gặp là Harnal Ocas, đây là thuốc thuộc nhóm đối kháng chọn lọc thụ thể alpha 1 – adrenergic giúp làm giãn cơ trơn tuyến tiền liệt và niệu đạo. Tamsulosin thuốc giúp nước tiểu dễ dàng bài tiết hơn và giảm triệu chứng tiểu khó ở người bệnh tăng sinh tuyến tiền liệt lành tính (benign prostatis hyperplasia – BPH).

Trong bệnh lý này, tuyến tiền liệt bị tăng kích thước sẽ chèn ép vào niệu đạo và gây cản trở bài tiết dòng nước tiểu. Do vậy, người bệnh thường sẽ gặp khó khăn khi bắt đầu tiểu hoặc nước tiểu ít kèm theo tiểu nhiều lần. Tamsulosin không giúp giảm kích thước tuyến tiền liệt mà chỉ giúp làm giảm triệu chứng của bệnh, qua đó giúp cải thiện chất lượng cuộc sống của người bệnh.

2. Sử dụng hợp lý thuốc Tamsulosin

Tamsulosin là thuốc kê đơn nên chỉ có thể được sử dụng khi có chỉ định của bác sĩ chuyên ngành tiết niệu. Việc tự ý dùng thuốc có thể khiến người bệnh tăng nguy cơ gặp phải tác dụng phụ hoặc tương tác thuốc có hại cũng như không kiểm soát được mức độ bệnh hoặc không phát hiện được các bệnh lý khác có triệu chứng tương tự.


Sử dụng hợp lý thuốc Tamsulosin giúp giảm nguy cơ mắc các tác dụng phụ
Sử dụng hợp lý thuốc Tamsulosin giúp giảm nguy cơ mắc các tác dụng phụ

Tamsulosin không nên sử dụng cho người có tiền sử mẫn cảm với hoạt chất này hoặc các thành phần khác của thuốc, người bị suy gan nặng hoặc có tiền sử hạ huyết áp thế đứng. Người bệnh cần thận trọng thông báo cho bác sĩ biết các bệnh lý đang điều trị đặc biệt là các rối loạn chức năng gan, thận, tim mạch hoặc tuần hoàn khác nếu có.

Nếu người bệnh dự kiến phẫu thuật mắt để điều trị các bệnh như mắt kéo mây (cườm mắt, đục thủy tinh thể), tăng nhãn áp (glaucoma), cần thông báo cho bác sĩ nhãn khoa tiền sử đang hoặc đã dùng tamsulosin trong thời gian gần đây. Bởi thuốc Tamsulosin có thể gây ra hội chứng móng mắt nhão trong phẫu thuật (Intraoperative Floppy Iris Syndrome – IFIS), một biến chứng nghiêm trọng ở mắt. Các bác sĩ nhãn khoa sẽ cân nhắc lựa chọn thuốc và các kỹ thuật phẫu thuật để phòng ngừa biến chứng này. Người bệnh cũng cần trao đổi với bác sĩ khoa tiết niệu của mình để quyết định việc tiếp tục hay ngừng tạm thời Tamsulosin trong thời gian phẫu thuật dự kiến.

Thuốc tamsulosin có thể tương tác với các thuốc khác gây thay đổi hiệu quả điều trị hoặc làm phát sinh tác dụng không mong muốn. Do vậy, người bệnh cần liệt kê các loại thuốc đang hoặc đã sử dụng trong thời gian gần đây với bác sĩ để có lựa chọn phù hợp. Các thuốc cần phải lưu ý bao gồm:

  • Diclofenac (thuốc giảm đau kháng viêm) hoặc warfarin (thuốc kháng đông máu) do tương tác làm tăng tốc độ đào thải tamsulosin khỏi cơ thể;
  • Verapamil, Diltiazem (thuốc hạ huyết áp, chống loạn nhịp) do tương tác làm tăng nồng độ các thuốc này;
  • Ketoconazole, Itraconazole (thuốc kháng nấm) do làm tăng nồng độ Tamsulosin trong máu;
  • Các thuốc đối kháng thụ thể alpha 1 – adrenergic khác như doxazosin, indoramin, prazosin, alfuzosin do nguy cơ tương tác làm tăng tác dụng phụ tụt huyết áp;
  • Các thuốc gây mê trong phẫu thuật hoặc các thủ thuật nha khoa do nguy cơ hạ huyết áp.

Sự thay đổi tốc độ đào thải hoặc nồng độ các thuốc này trong máu có thể làm ảnh hưởng đến điều trị cũng như tăng nguy cơ tác dụng phụ ở người bệnh dùng đồng thời.

3. Tác dụng phụ có thể gặp phải khi dùng Tamsulosin

Như mọi loại thuốc khác, Tamsulosin cũng có khả năng gây ra tác dụng phụ ở nhóm nhỏ người sử dụng. Các tác dụng phụ nghiêm trọng là hiếm hoặc rất hiếm xảy ra, tuy nhiên nếu gặp phải thì cần ngưng thuốc và đến ngay các cơ sở y tế để được xử trí kịp thời. Các phản ứng cần lưu ý đặc biệt bao gồm:

  • Phản ứng dị ứng, viêm nghiêm trọng đột ngột xuất hiện trên da hoặc niêm mạc (phát ban, đỏ da, tróc vẩy ...)
  • Phù nề trên da, quanh miệng hoặc trong niêm mạc miệng, họng;
  • Cương cứng kéo dài không kiểm soát kèm triệu chứng đau, căng tức;
  • Mẩn đỏ trên da nghiêm trọng.

Ngoài ra, hai phản ứng không mong muốn thường gặp và ít nghiêm trọng hơn (tỉ lệ =<10%) bao gồm chóng mặt đặc biệt khi thay đổi tư thế đột ngột hoặc rối loạn xuất tinh (tình trạng tinh dịch không ra ngoài cơ thể mà trở ngược lại bàng quang). Sự xuất tinh ngược dòng này là vô hại.

Các tác dụng phụ khác có thể gặp phải bao gồm nhịp tim nhanh, đau đầu, táo bón, buồn nôn, nôn mửa, nghẹt hoặc chảy mũi ... gặp ở tỉ lệ người dùng thấp hơn không đến 1%.

Chưa có báo cáo về thuốc Tamsulosin có thể gây ảnh hưởng đến khả năng lái xe và vận hành máy móc, tuy nhiên khả năng xuất hiện triệu chứng nhìn mờ, chóng mặt hoặc ngất có thể xảy ra ở một số người dùng thuốc.

Người bệnh cần lưu ý các tác dụng phụ này hoặc các phản ứng khác nghi ngờ do thuốc và thông báo cho bác sĩ khi tái khám định kỳ hoặc sớm hơn nếu các triệu chứng dai dẳng và gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống.


Uống thuốc tamsulosin có thể gây ra tác dụng phụ phát ban, mẩn đỏ da
Uống thuốc tamsulosin có thể gây ra tác dụng phụ phát ban, mẩn đỏ da

4. Lưu ý khi sử dụng thuốc Tamsulosin

Sử dụng thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ thông thường 1 lần mỗi ngày; người bệnh không được tự ý thay đổi liều dùng thuốc mà không có ý kiến của bác sĩ điều trị. Thuốc Tamsulosin được nuốt nguyên viên kèm với nước hoặc thức uống lỏng khác, không được nhai nghiền do làm cản trở sự hấp thu của hoạt chất.

Nếu người bệnh quên dùng thuốc, uống lại liều thuốc trong cùng ngày. Nếu đã quá 24h kể từ thời điểm dùng thuốc đã quên, uống liều thuốc của ngày mới. Không uống bù gấp đôi cho liều thuốc đã qua. Trường hợp dùng quá liều thuốc do nhầm lẫn, người bệnh cần đến ngay cơ sở y tế để được hỗ trợ kịp thời.

Tamsulosin không được định dùng cho phụ nữ trừ trường hợp đặc biệt cụ thể do bác sĩ điều trị quyết định. Bên cạnh đó, Tamsulosin là thuốc kê đơn nên chỉ có thể được sử dụng khi có chỉ định của bác sĩ chuyên ngành tiết niệu. Vì thế, người bệnh không nên tự ý sử dụng mà cần dùng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe